Nội dung Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản

Nguyên bản tiếng Đức tác phẩm Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản.

Tác phẩm này của Weber không phải là một công trình khảo cứu chi tiết về đạo Tin Lành (Kháng Cách), nhưng là phần dẫn nhập cho những nghiên cứu của ông về mối quan hệ tương tác giữa các ý niệm tôn giáo và kinh tế. Weber phác họa một khung phương pháp luận nhằm tìm hiểu những động lực văn hóa và tinh thần vốn luôn luôn chi phối, thúc đẩy, hoặc cản trở tiến trình biến đổi kinh tế xã hội.[4]

Trong Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản, Weber đưa ra luận cứ cho rằng nền đạo đức Thanh giáo có nhiều ảnh hưởng trên sự phát triển chủ nghĩa tư bản. Theo cách hiểu thông thường, lòng sùng tín tôn giáo thường đi đôi với thái độ xa lánh trần tục, trong đó có việc tích lũy tài sản để làm giàu.[5] Thế nhưng, tại sao điều này không xảy ra với tôn giáo Kháng Cách? Weber đã tìm cách giải thích nghịch lý này trong tác phẩm của ông.

Theo định nghĩa của Weber, tinh thần chủ nghĩa tư bản hiện đại ủng hộ việc tìm kiếm những lợi ích kinh tế cách thuần lý. Ông chỉ ra rằng tinh thần ấy không chỉ hiện diện trong nền văn hóa phương Tây nếu xét trong khía cạnh thái độ của những cá nhân, nhưng những cá nhân ấy – những nhà doanh nghiệp anh hùng, theo cách gọi của ông – không thể tự mình kiến tạo một trật tự kinh tế mới (chủ nghĩa tư bản). Bởi vì khuynh hướng chung của mọi người trong các nền văn hóa khác nhau là tìm kiếm lợi tức tối đa từ nỗ lực tối thiểu. Weber viết: "... theo những tư liệu kinh tế mà chúng ta biết được cho đến nay, ở tất cả các nền văn hóa đã từng có 'chủ nghĩa tư bản' và những doanh nghiệp 'tư bản chủ nghĩa' dựa trên một [mức độ] lý tính hóa nào đó trong việc hạch toán đồng vốn. Ở Trung Hoa, Ấn Độ, Babylon, Ai Cập, ở vùng Địa Trung Hải thời cổ đại, vào thời trung đại cũng như vào thời cận đại".[6] Trên khắp thế giới, ở đâu cũng có thương nhân, bán sỉ hay bán lẻ, những người cho vay, những nhà kinh doanh thực dân, những ông chủ đồn điền sở hữu nô lệ, sử dụng lao động khổ sai trực tiếp hoặc gián tiếp, những kẻ đầu cơ "chuyên đi săn mọi cơ hội để kiếm tiền", những "kẻ phiêu lưu tư bản chủ nghĩa"... Và phần lớn hoạt động của những loại người này "đều mang tính chất thuần túy phi lý tính và đầu cơ, hoặc là thiên về cách chiếm hữu bằng bạo lực, nhất là chiếm đoạt chiến lợi phẩm thông qua chiến tranh, hay dưới hình thức chiến lợi phẩm tài chánh, nghĩa là thông qua việc bóc lột những người bị trị".[7]

Theo Weber, đấy chỉ là những loại hình "chủ nghĩa tư bản thương mại, hoặc hướng đến chiến tranh, đến chính trị, hay đến chính quyền" hoặc "chủ nghĩa tư bản phiêu lưu". Tuy nhiên, Weber tin rằng "trong thời kỳ cận đại, Tây phương đã biết đến một dạng phát triển của chủ nghĩa tư bản hoàn toàn khác và chưa có ở bất cứ nơi nào trên trái đất: [đó là] cách tổ chức thuần lý tư bản chủ nghĩa đối với lao động tự do (về mặt hình thức) mà người ta chỉ có thể bắt gặp ở dạng thô sơ ở các nơi khác."[7] Weber gọi dạng chủ nghĩa tư bản này là "chủ nghĩa tư bản doanh nghiệp dân sự" (bürgerliche Betriebskapitalismus).

Weber chỉ ra rằng có những giáo hội Kháng Cách ủng hộ việc tìm kiếm các lợi ích kinh tế cách thuần lý, và các hoạt động trần thế được xem là có ý nghĩa tích cực về mặt đạo đức và tâm linh. Đó không phải là mục tiêu của tôn giáo, nhưng chỉ là sản phẩm phụ - luận lý nền tảng của các luận cứ này khuyến khích việc tìm kiếm các lợi ích kinh tế thông qua việc lập kế hoạch trên nền tảng duy lý, và không phải vì mục tiêu vị kỷ. Weber tóm tắt quan niệm đạo đức của Thần học Calvin như sau: "Cách duy nhất để có một cuộc sống đẹp lòng Thiên Chúa không phải là vượt lên trên nền đạo đức của đời sống trần thế bằng lối sống khổ hạnh trong tu viện, mà chính là chu toàn trong thế gian các bổn phận tương ứng với chức phận mà cuộc sống dành cho mỗi người trong xã hội – chính vì thế mà các bổn phận trở thành 'thiên chức' [Beruf] của mỗi người."[8]Đặc trưng tư tưởng của giáo thuyết Calvin là nhấn mạnh tới nỗ lực của cá nhân chứ không coi trọng vai trò của các định chế, và loại trừ những xu hướng huyền bí, những xu hướng nặng về nghi thức – nói khác đi, đây chính là lối tư duy dẫn đến quá trình "giải ma thuật" (Entzauberung) và quá trình lý tính hóa lối sống của người tín đồ Calvin.[9]

Weber truy nguyên nền đạo đức Kháng Cách đến cuộc Cải cách. Giáo hội Công giáo Rôma đảm bảo cho giáo dân sự cứu rỗi miễn là họ chấp nhận các bí tích của giáo hội và chịu thần phục thẩm quyền giới tăng lữ. Tuy nhiên, cuộc Cải cách Kháng Cách đã gỡ bỏ sự đảm bảo này. Do đó, theo luận giải của Weber, tín hữu Kháng Cách quay sang tìm kiếm các "dấu hiệu" chứng minh họ được cứu rỗi. Calvin và những người theo ông rao giảng thuyết tiền định, theo đó từ ban đầu Thiên Chúa đã chọn một số người để được cứu rỗi, và những người khác dành cho đoán phạt. Cảm giác bất lực vì không thể làm gì để được cứu rỗi gây ra những vấn nạn cho những người theo thần học Calvin. Như thế, đức tin trở thành bổn phận tuyệt đối cho tín hữu để đảm bảo rằng mình là người được chọn, đồng thời trục xuất mọi hoài nghi: không có niềm xác tín nghĩa là không có đủ đức tin, tức là không được chọn. Theo Weber, niềm xác tín cá nhân thế chỗ cho sự bảo đảm của thẩm quyền giáo hội, "...để đạt tới sự tự tin này, một trong những cách thức thích hợp nhất được khuyến khích là hãy làm việc không ngơi nghỉ trong một nghề [rastlose Berufsarbeit]. Điều này, và chỉ điều này thôi, mới xua tan được nỗi hoài nghi về mặt tôn giáo và đem lại sự tin chắc về ân sủng."[10]

Weber tìm thấy sự thể hiện đầy đủ của nền đạo đức Kháng Cách trong thần học Calvin. Ông trình bày sự "nghịch lý" như sau:

Theo đức tin Kháng Cách, mỗi người đều có bổn phận tôn giáo theo đuổi một chức nghiệp trần thế với lòng nhiệt tình cao nhất. Đó không phải là mục tiêu, nhưng là kết quả tất yếu của các giáo huấn tôn giáo. Một tín hữu, trong công việc hằng ngày, có nghĩa vụ làm việc hết sức mình để chu toàn công việc hầu cho danh Chúa được cả sáng.[11] Mà một người như thế sẽ có nhiều cơ may để trở nên người thành đạt.

Các giáo hội thuộc cộng đồng Kháng Cách (nhất là các giáo phái chịu ảnh hưởng thần học Calvin theo tinh thần khổ hạnh) tích cực cấm đoán việc tiêu xài hoang phí, và xem việc mua sắm các vật dụng xa hoa là tội lỗi. Bố thí tiền bạc cho người nghèo cũng không được khuyến khích vì bị xem là khiến họ sống phụ thuộc vào người khác. Trong khi đó, một người không chịu làm việc bị xem là một sự sỉ nhục.[12]

Tại đây sự nghịch lý được giải quyết, theo Weber, bằng cách sử dụng số tiền kiếm được cho việc tái đầu tư. Điều này là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa tư bản lúc ấy còn non trẻ. Nền đạo đức Kháng Cách khuyến cáo tín đồ của mình phải cảnh giác và dè chừng đối với của cải thế gian và phải có một lối sống khổ hạnh (Askese). Trong khi đó, làm việc một cách duy lý nhằm tạo ra doanh lợi và không tiêu xài hoang phí doanh lợi này – đây chính là lối ứng xử cần thiết cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, bởi nó có nghĩa là không ngừng tái đầu tư số lợi nhuận mới được tạo ra. Chủ nghĩa tư bản cần lối tổ chức thuần lý đối với lao động, và giả định rằng phần lớn lợi nhuận không được tiêu xài hết mà phải được tiết kiệm nhằm có thể tiếp tục phát triển các phương tiện sản xuất. Chính đây là nơi bộc lộ sự "tương hợp chọn lọc" giữa quan niệm và lối sống của tôn giáo Kháng Cách với "tinh thần" của chủ nghĩa tư bản.[9]

Mặc dù tư tưởng Thanh giáo là ảnh hưởng then chốt đối với sự phát triển của trật tự kinh tế tại Âu châuHoa Kỳ, Weber cho rằng đây không phải là nhân tố duy nhất (trong số các nhân tố khác có thể kể sự hợp lý hóa trong quy trình nghiên cứu khoa học, sự kết hợp giữa sự quan sát và toán học, sự phát triển của học thuật và pháp lý, quy trình hệ thống hóa và hợp lý hóa bộ máy hành chính và doanh nghiệp). Như vậy, sự khảo sát nền đạo đức Kháng Cách, theo Weber, là nhằm khám phá một khía cạnh của nỗ lực giải phóng con người khỏi lòng tin vào những điều huyễn hoặc mà ông gọi là "tiến trình giải ma thuật" (Entzauberung), và làm cho thế giới tỉnh ngộ. Đó là những điều mà ông xem là đặc điểm của văn hóa phương Tây.